Cùng tìm hiểu về Fujiko Fujio – Tác giả truyện Doraemon

Anime -
Fujiko Fujio

Fujiko Fujio là một trong những mangaka nổi tiếng nhất của Nhật Bản với tác phẩm huyền thoại Doraemon đã làm nức lòng độc giả nhiều thế hệ trên toàn cầu. Trong bài viết này hãy cùng POPS Blog tìm hiểu qua những thông tin thú vị để hiểu thêm về Fujiko Fujio – Tác giả của truyện Doraemon nhé.

1. Tác giả của truyện Doraemon là ai?

Trong thế giới manga thì nhân vật Doraemon là một biểu tượng vô cùng nổi bật. Hình ảnh chú mèo máy mũm mĩm dễ thương với một chiếc túi đựng bảo bối ở trước bụng đã in sâu vào đầu óc của nhiều thế hệ độc giả trên toàn cầu hàng chục năm qua. Để có thể xây dựng một nhân vật có sức hút lâu dài như vậy là một chuyện không hề đơn giản và đó chính là công lao to lớn của Fujiko Fujio.

tác giả của truyện doraemon là ai
Doraemon là tác phẩm làm nên tên tuổi của Fujiko Fujio.

Fujiko Fujio là bút danh của mangaka đã tạo nên hình tượng chú mèo máy Doraemon cùng những người bạn lớp 4E trường tiểu học quận Nerima như Nobita, Shizuka, Suneo,… Đây là những nhân vật gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, tuy nhiên bí mật trong cái tên Fujiko Fujio thì không phải ai cũng biết.

2. Fujiko Fujio sinh năm bao nhiêu?

Sự thật mà ít độc giả Việt Nam biết đến đó chính là Fujiko Fujio là bút danh được sử dụng chung của 2 mangaka khác nhau: Abiko Motoo và Hiroshi Fujimoto. Chính vì vậy nếu bạn thắc mắc Fujiko Fujio sinh năm bao nhiêu thì sẽ không có câu trả lời cụ thể, do Abiko sinh năm 1934 còn Fujimoto sinh năm 1933.

doraemon fujiko fujio
Có lẽ ít người biết Fujiko Fujio là bút danh chung của 2 mangaka.

Quen nhau từ thuở nhỏ, chỉ chênh nhau 1 tuổi, có chung đam mê với việc vẽ và cùng thần tượng mangaka rất nổi tiếng lúc bấy giờ của Nhật Bản: Osamu Tezuka nên cả hai dễ dàng kết thân cùng nhau. Cặp đôi này đã kết hợp cùng nhau và cho ra nhiều tác phẩm truyện tranh ngay khi còn nhỏ.

Tuy nhiên mãi đến năm 1954 thì bút danh chung Fujiko Fujio mới được cả hai chính thức sử dụng để cùng sáng tác truyện tranh. Đây là lúc Fujimoto thuyết phục Abiko cùng mình chuyển đến Tokyo để theo đuổi con đường trở thành mangaka chuyên nghiệp. Cả 2 đã thống nhất lấy từ ghép giữa 2 họ của mình là FUJImoto và abiKO kết hợp cùng bút danh FUJIO Tezuka của Osamu Tezuka – mangaka mà cả 2 cùng ngưỡng mộ để dùng làm bút danh chung.

3. Truyện tranh Doraemon ra đời năm bao nhiêu?

Những thắc mắc xoay quanh nhân vật Doraemon và tác giả bộ truyện Doraemon là thắc mắc chung của nhiều thế hệ độc giả tại Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ internet chưa phát triển rộng rãi như bây giờ. 

Như đã nói ở trên, sau khi cùng nhau lập nghiệp tại Tokyo thì bút danh Fujiko Fujio cũng chính thức được Fujimoto và Abiko sử dụng vào năm 1954, tuy nhiên mãi đến cuối năm 1969 thì nhân vật Doraemon mới chính thức được xuất hiện trên tạp chí CoroCoro Comic của nhà xuất bản Shogakukan.

Ngay sau khi được ra mắt thì Doraemon đã tạo nên cơn sốt thật sự trong giới truyện tranh tại Nhật Bản. Sự ưa chuộng của khán giả tại Nhật Bản nói riêng và toàn cầu nói chung đã giúp bộ truyện Doraemon trở thành series manga nổi tiếng và thành công nhất mọi thời đại. Nhân vật Doraemon thậm chí còn được Bộ ngoại giao Nhật Bản bổ nhiệm làm Đại sứ anime vào năm 2008.

fujiko fujio mất
Nhân vật Doraemon từng được Bộ ngoại giao Nhật Bản bổ nhiệm là Đại sứ anime vào năm 2008.

Có thể nói trong sự nghiệp sáng tác chung của Fujiko Fujio tác phẩm Doraemon chính là thành công xuất sắc nhất của bộ đôi tài năng này. Chỉ với tác phẩm Doraemon Fujiko Fujio đã nghiễm nhiên chiếm một vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử manga hiện đại của Nhật Bản.

4. Bút danh Fujiko Fujio tồn tại đến bao giờ?

Dù hợp tác chung để cho ra đời một siêu phẩm để đời nhưng tính cách ngoài đời thật của Fujimoto và Abiko lại có sự khác biệt khá lớn. Trong khi Abiko là một người hướng ngoại nhưng thường có những tác phẩm mang màu sắc khá u ám thì ngược lại Fujimoto lại là người sống thu mình nhưng lại có những tác phẩm mang màu sắc vui tươi như trẻ thơ.

Theo nhận xét của nhiều người yêu thích manga thì trong các truyện Fujiko Fujio tác phẩm Doraemon chính là tác phẩm thể hiện rõ nhất sự trộn lẫn giữa 2 nét tính cách này của 2 tác giả. Có lẽ cũng chính lý do này đã tạo nên một sức hút khó lý giải và giúp nhân vật Doraemon có sức sống mãnh liệt như vậy trong lòng nhiều thế hệ độc giả trên toàn cầu.

Tuy nhiên sự cộng tác chung dưới bút danh Fujiko Fujio đã dừng lại vào năm 1987, khi Fujimoto và Abiko quyết định chấm dứt cộng tác chung để theo đuổi sự nghiệp sáng tác riêng. Sau khi chia tay, Fujimoto đã lấy cho mình bút danh riêng là Fujiko F. Fujio còn Abiko thì lấy bút danh Fujiko Fujio (A). Có thể thấy cả hai đều rất tôn trọng bút danh chung đã làm nên thành công của mình.

5. Một số tác phẩm tiêu biểu của Fujiko F. Fujio và Fujiko Fujio (A)

Trước khi chấm dứt sự nghiệp sáng tác chung thì Fujimoto và Abiko cũng đã có riêng cho mình những manga được khá nhiều độc giả biết đến. Và như đã nói ở trên, do sự khác biệt trong tính cách nên độc giả còn đặt biệt danh cho Fujimoto là “Fujio trắng” còn Abiko là “Fujio đen”.

5.1 Truyện của Fujiko F. Fujio

Truyện của tác giả Fujiko F. Fujio đem lại cho độc giả những cái nhìn vui tươi và sau năm 1987 thì ông vẫn tiếp tục gắn bó với hình ảnh của chú mèo máy Doraemon. Thậm chí lúc ông qua đời vì căn bệnh suy gan thì cũng chính là lúc ông đang hoàn thiện kịch bản cho Doraemon: Nobita và thành phố xoắn ốc. Ông cũng là tác giả của nhiều bộ phim Doraemon dài tập khác được sản xuất sau 1987.

truyện fujiko fujio
Nhóc Bakeru là tác phẩm khá nổi tiếng của Fujiko F. Fujio

Các tác phẩm của Fujiko F. Fujio được nhiều người biết đến là những cái tên nổi bật như:

  • BAKERU-KUN (Nhóc Bakeru) sáng tác năm 1976.
  • ESPER MAMI (Mami cô bé siêu phàm) sáng tác năm 1977.
  • Chú mèo Poko sáng tác năm 1978.
  • Perman (Cậu bé siêu nhân) phần 1 sáng tác năm 1967-1968, phần 2 sáng tác vào năm 1983 đến 1986.
  • 21-emon (Hiệp sĩ thế kỉ 21) sáng tác năm 1991.
  • Mojacko (Những hành tinh lạ) sáng tác năm 1995.

5.2 Truyện của Fujiko Fujio (A)

Mặc dù nhiều người cho rằng truyện của Fujiko Fujio (A) có những dấu hiệu đen tối và u ám nhưng không thể phủ nhận tài năng của ông. Fujiko Fujio (A) có cách kể chuyện dí dỏm và có thể sáng tác các tác phẩm manga ở nhiều thể loại khác nhau. Một số tác phẩm nổi tiếng của Fujiko Fujio (A) có thể kể đến như:

  • Ninja Hattori sáng tác năm 1981.
  • Manga Michi (Con đường manga của tôi) sáng tác vào năm 1997 đến 1982.
  • Shonen Jidai (Những ngày ấu thơ) sáng tác năm 1990.
fujiko fujio tác phẩm
Fujiko Fujio (A) cũng có khá nhiều tác phẩm manga nổi tiếng.

Bên cạnh các tác phẩm dài kỳ thì Fujiko Fujio (A) còn biết đến là một trong những họa sĩ sáng tác thể loại truyện tranh one-shot xuất sắc nhất của Nhật Bản.

6. Fujiko Fujio mất năm nào? 

Như chúng ta đã biết ở trên thì Fujiko Fujio là bút danh chung được 2 mangaka sử dụng để phục vụ cho việc sáng tác của mình. Trong kho tàng để lại của Fujiko Fujio truyện Doraemon được xem là thành công vĩ đại nhất và giúp đưa tên tuổi của cả 2 người vươn tầm thế giới, tuy nhiên sự cộng tác chung này đã dừng lại vào năm 1987.

Khi Fujimoto và Abiko chính thức tuyên bố sẽ không sáng tác chung dưới bút danh Fujiko Fujio nữa thì rất nhiều độc giả đã nghi ngờ rằng giữa cả 2 có sự bất đồng trong phong cách sáng tác. Tuy nhiên trong một tuyên bố sau này thì Abiko đã cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc ngừng hợp tác là do Fujimoto phát hiện bản thân bị ung thư gan và bệnh tim vào năm 1986.

Để có thể có được một khoản kinh phí lớn để chữa trị thì Fujimoto đã đề nghị chấm dứt hợp tác cùng Abiko để tập trung chữa bệnh và theo đuổi các dự án riêng. Hai căn bệnh này cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sức khỏe của Fujimoto bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ông đã mất vào năm 1996 khi mới 63 tuổi.

Mất đi người bạn gắn bó suốt mấy chục năm trời, Abiko đã rất xúc động và ông từng tâm sự với báo chí rằng bản thân ông luôn muốn làm những điều mà Fujimoto không làm được, nhưng nó lại quá khó, đồng thời ông luôn xem Fujimoto là thiên tài. Những phát biểu này của Abiko cho thấy ông tôn trọng Fujimoto rất nhiều và luôn xem Fujimoto như một chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy.

Sau cái chết của Fujimoto thì Abiko vẫn tiếp tục với sự nghiệp manga của mình, và lúc này xu hướng sáng tác của ông thường là những bộ truyện one-shot miêu tả về thực trạng đáng buồn của xã hội. Có thể nói trong giai đoạn này truyện của “Fujio đen” càng trở nên u ám hơn trước đây nhưng sự miêu tả khéo léo cùng cách chốt vấn đề rất hay lại càng giúp Abiko trở nên nổi tiếng.

So với người anh em Fujimoto thì Abiko sống thọ hơn khá nhiều. Ông qua đời vào ngày 07 tháng 4 năm 2022 tại nhà riêng ở thành phố Kawasaki thuộc tỉnh Kanagawa, hưởng thọ 88 tuổi. Sau cái chết của Fujiko Fujio (A) thì hành trình của Fujiko Fujio – tác giả của bộ truyện tranh Doraemon huyền thoại cũng chính thức khép lại. Thông tin này khiến cộng đồng những người hâm mộ manga trên toàn thế giới cảm thấy rất hụt hẫng, dù biết rằng nó là điều khó tránh khỏi.

fujiko fujio sinh năm bảo nhiều
Dù không còn nữa nhưng Fujimoto và Abiko đã cùng nhau tạo nên một bút danh Fujiko Fujio huyền thoại.

Có thể nói trong lịch sử của ngành công nghiệp truyện tranh Nhật Bản từ trước cho đến nay thì trường hợp của Fujimoto Hiroshi và Abiko Motoo là một trường hợp đặc biệt duy nhất được biết đến. 2 con người với hai tính cách có thể nói là khá đối lập nhưng lại có thể gắn bó với nhau hàng chục năm trời để cùng cho ra đời một nhân vật manga có sức sống mãnh liệt hàng chục năm thì dễ nào có được.

Có nhiều người cho rằng tác giả của câu chuyện Doraemon là Fujimoto Hiroshi, còn Abiko chỉ đóng vai trò trợ lý. Nhận định này có thể không sai vì sau khi không còn dùng bút danh chung Fujiko Fujio thì Fujimoto vẫn cho ra mắt thêm nhiều tập truyện Doraemon nữa, tuy nhiên chúng ta có thể chắc chắn rằng nếu không có sự góp mặt của Abiko thì nhân vật Doraemon đã không thể nổi tiếng khắp toàn cầu như bây giờ.

Để khép lại bài viết về tình bạn đẹp giữa Fujimoto Hiroshi và Abiko Moto, xin phép dùng hình ảnh Nobita và Doraemon trong câu chuyện ngắn sau đây để thay lời kết: 

Khi Nobita chuẩn bị qua đời, cậu đã gọi Doraemon đến và bảo Doraemon hãy đi đến nơi mà mình thuộc về. Doraemon lặng lẽ dùng cỗ máy thời gian để trở về 80 năm trước, thời điểm cậu vừa gặp Nobita. Khi gặp lại Nobita ở quá khứ, Doraemon đã nói: Nơi cậu ở chính là nơi tớ thuộc về…