9 Món ngon từ cua dễ làm và bảo đảm dinh dưỡng
Từ lâu, cua vốn nổi tiếng loại hải sản không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn chứa rất nhiều dinh dưỡng. Vậy bạn đã biết cách chế biến món ngon từ cua cho đúng điệu chưa? Hãy cùng POPS Chef khám phá những món ngon từ cua biển siêu hấp dẫn trong bài viết dưới đây nhé!
Xem nhanh
Các món ngon từ cua biển vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng
Lasagna cua
Lasagna cua là một món ăn nổi tiếng bắt nguồn từ nước Ý có vị ngọt của thịt cua xay, mùi thơm của các loại rau khi nướng kết hợp với lớp sốt béo ngậy từ kem phô mai phía trên.
Nguyên liệu
- Mì Ý Lasagna: 4 miếng ( nấu chín và xả lại với nước)
- Sữa: 1 lít (nguyên kem)
- Sả: 4 cọng
- Giấm: 2 muỗng (hoặc chanh)
- Ớt xanh: 1 trái
- Rau mùi: 50g
- Thịt cua: 1 lon
- Dầu hào: 1 muỗng (hoặc chanh)
- Chanh : 2 trái
- Bơ : 2 trái
- Mè : 20g
- Vải bọc pho mát : 1 miếng
- Dưa chuột : 2 trái (cỡ lớn)
>>> Hãy theo dõi cách làm món Lasagna Cua cùng POPS Chef nhen!
Cách làm
Bước 1: Làm phô mai Ricotta
- Đun nóng chảo sữa trên bếp, cho sả vào chảo và đun nhỏ lửa.
- Vớt sả ra khỏi chảo, thêm nước cốt chanh tươi hoặc giấm.
- Thêm chút muối vào và khuấy đều.
- Sau 10 phút, bạn có thể lọc sữa đông bằng một miếng vải thưa.
- Đặt một cái rây lọc vào một cái bát và lót một miếng vải bọc pho mát bên trong cái rây lọc.
- Để Ricotta ráo nước trong vòng 10 – 60 phút tùy vào mức độ khô hay ướt.
Bước 2: Mì Ý Lasagna
- Luộc các miếng lasagna của bạn trong khoảng 5 phút.
- Nhúng ngay vào thau nước đá ngay khi sau khi vừa vớt ra.
- Lấy chúng ra khỏi nước và cho vào bát, trộn thêm một chút dầu ô liu.
Bước 3: Làm sốt lasagna cua
- Băm nhuyễn hành tây, ớt đỏ, ớt xanh, tỏi, hành lá, cà chua.
- Sau đó thêm kem phô mai, kem, dầu hào, rắc một ít mè và trộn với thịt cua.
- Xắt bơ và nạo dưa chuột thành những lát mỏng.
Bước 4: Hoàn thành
- Đặt các lát dưa chuột đan lại với nhau thành một tấm (xem trong video) có kích thước vừa với những miếng lasagna.
- Bước đầu tiên, bạn trải miếng mì Ý lasagna xuống, cho hỗn hợp thịt cua vào, dàn đều và cho thêm một lớp bơ.
- Thêm một miếng lasagna khác, xếp tiếp hỗn hợp thịt cua và dưa chuột.
- Bọc nó trong màng bọc thực phẩm và giữ lạnh 20 phút.
Bánh Souffle Cua
Nguyên liệu
- Thịt cua: 300 gram
- Sữa: ⅕ chén
- Bột: 2 muỗng canh
- Ớt bột: 1 muỗng
- Trứng: 5 quả (tách lòng đỏ và lòng trắng)
- Sốt tôm hùm bisque: ⅕ chén
- Bơ: 20 gram
- Mè: 1 muỗng canh
- Muối: để nêm gia vị
- Tiêu: để nêm gia vị
Cách làm
Bước 1: Chuẩn bị bột bánh
Quết bơ vào 4 ly nướng bánh và để sang bên. Cho 20 gram bơ và đợi bơ chảy và cho vào 2 muỗng canh bột. Khuấy bột và thêm ⅕ chén sữa và ⅕ chén sốt tôm hùm bisque, nêm thêm chút muối và tiêu. Tiếp tục khuấy hỗn hợp bột. Thêm ớt bột và đổ vào tô.
Bước 2: Nướng bánh
Tách lấy 5 lòng đỏ. Trộn thịt cua vào lòng đỏ và rắc thêm hạt mè. Thêm một chút muối vào lòng trắng và đánh bông lòng trắng trứng. Đổ phần bột bánh và trứng đánh bông vào thịt cua và trộn đều tất cả các nguyên liệu. Cho hỗn hợp vào ly nướng bánh đã quết bơ trước đó. Nướng 20 phút ở 230 độ. Bánh cua souffle của bạn đã sẵn sàng.
Chả cua, cua chiên
Nguyên liệu
- Thanh cua: 1 cốc
- Cà rốt: ½ củ
- Hành tím: 1 củ
- Đậu que: 100gr
- Sả: 2 cây
- Tỏi: 3 tép
- Ngò rí: 20gr
- Ớt đỏ: 1 trái
- Bột bắp: 2 muỗng canh
- Nước mắm: 1 muỗng canh
- Nước tương: 1 muỗng canh
- Trứng: 2 trái
- Bột: 1 cốc
- Vụn bánh mì: 1 cốc
>>> Xem ngay công thức nấu món chả cua và cua chiên giòn rụm nào!
Cách làm
Bước 1: Làm chả cua
Xé sợi thanh cua cho vào tô, cắt nhỏ ½ củ cà rốt, 1 củ hành tím, đậu que, 2 cây sả, 1 tép tỏi, 20gr ngò rí, 1 trái ớt đỏ và cho vào tô. Sau đó thêm 2 muỗng canh bột bắp, 1 muỗng canh nước tương, 1 muỗng canh nước mắm, 1 trái trứng và trộn đều các nguyên liệu. Nặn hỗn hợp thành từng viên và nhúng vào bột, sau đó trứng, vụn bánh mì và chiên đến khi vàng giòn. Vớt ra và cho vào giấy thấm dầu và xiên chả cua bằng que.
Bước 2: Làm tempura cua
Cho 1 nắm ngò, 1 lòng trắng trứng, 1 cốc nước, 1 cốc bia, 2 muỗng canh bột bắp, ½ cốc bột, muối, tiêu vào máy xay và xay nhuyễn hỗn hợp.
Nhúng cua lột vào hỗn hợp bột tempura vừa làm, sau đó nhúng tiếp vào vụn bánh mì và chiên ở 170 độ. Nếu bạn không có máy đo nhiệt độ dầu, bạn có thể thử bằng cách nhúng đầu đũa vào dầu và nếu bạn thấy có bong bóng ở đầu đũa tức nhiệt độ vừa đủ để chiên. Khi cua đã chuyển sang màu vàng, vớt ra và thưởng thức cùng với chả cua.
Món ngon từ cua hoàng đế đơn giản dễ làm
Cua hoàng đế hấp bia
Nguyên liệu
- 1 con cua hoàng đế
- 1 lon bia
- 1 củ gừng
- 1 quả ớt sừng
- 1 củ hành tây
- 2 nhánh hành lá
- Gia vị: Muối, hạt nêm, mì chính, tiêu.
Cách làm
Bước 1: Cua hoàng đế làm sạch và để ráo nước.
Bước 2: Gừng, ớt, hành tây và hành lá rửa sạch, cắt lát và xếp vào xửng hấp, sau đó đặt cua lên trên.
Bước 3: Đặt nồi hấp lên bếp, rót bia tưới đều khắp mình cua, đậy nắp lại và hấp trong khoảng 20 – 30 phút.
Bước 4: Chờ cua chín, lấy ra chấm kèm muối ớt xanh hoặc muối tiêu chanh.
Cua hoàng đế rang muối
Nguyên liệu
- 1 con cua hoàng đế
- 1 củ tỏi khô
- 2 trái ớt hiểm
- Gia vị: Muối, muối tôm, đường, mì chính, tiêu,…
Cách làm
Bước 1: Sơ chế. Tỏi khô bóc vỏ, đập dập và băm nhuyễn. Ớt hiểm rửa sạch, xay nhuyễn.
Cua hoàng đế làm sạch phần vỏ và để ráo nước. Tiếp đến gỡ riêng từng bộ phận của cua, cua to nên chặt khúc vừa ăn, đập dập vỏ và ướp cua cùng với các gia vị như: muối, đường, tiêu, hạt nêm trong khoảng 30 phút cho ngấm đều gia vị.
Bước 2: Cho cua hoàng đế vào xửng hấp và đặt lên nồi hấp khoảng 20-30 phút.
Bước 3: Trộn hỗn hợp gồm: ớt, tỏi, muối, muối tôm cùng một chút nước lọc và quậy lên cho đến khi hỗn hợp sền sệt.
Bước 4: Đặt chảo lên bếp chờ cho chảo thật nóng rồi cho hỗn hợp trên cùng với cua hoàng đế vào rang, đảo đều cho đến khi muối ớt bên ngoài đóng cục lại.
Bước 5: Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, tắt bếp và thưởng thức.
Cua hoàng đế rang me
Nguyên liệu
- 1 con cua hoàng đế
- Me chín
- Gia vị: đường, nước mắm. tiêu, hạt nêm
- Bột bắp
- Tỏi băm
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế. Cua hoàng đế rửa sạch, tách mai cua để riêng, thịt cua để riêng, cắt chân và càng cua thành từng đoạn nhỏ vừa ăn vừa dễ thấm gia vị hơn. Ướp cua với một chút gia vị gồm: hạt nêm, muối, đường tiêu trong khoảng 15 phút.
Bước 2: Đặt chảo dầu lên bếp, đợi dầu nóng chiên sơ cua.
Bước 3: Me chín đem ngâm với nước sôi, lọc lấy nước cốt, bỏ hạt.
Bước 4: Cho dầu vào chảo và phi thơm hành tỏi, sau đó đổ nước cốt me vào khuấy đều, nêm vào một chút nước mắm, đường. Để hỗn hợp sệt lại, bạn hãy hòa bột bắp với nước rồi đổ từ từ vào sốt.
Bước 5: Cuối cùng cho cua hoàng đế đã chiên vào đảo đều tay cho sốt cho thấm gia vị.
Cua hoàng đế hấp coca
Nguyên liệu
- 1 con cua hoàng đế
- 1 lon Coca cola
- 1 củ gừng
- 1 quả ớt sừng
- 1 củ hành tây
- 2 cây hành lá
- Gia vị gồm muối, hạt nêm, mì chính, tiêu.
Cách làm
Bước 1: Cua hoàng đế làm sạch và để ráo nước.
Bước 2: Gừng, ớt, hành tây, hành lá rửa sạch, cắt lát mỏng và xếp vào xửng hấp và đặt cua lên trên (giống với món cua hoàng đế hấp bia).
Bước 3: Đặt nồi hấp lên bếp, rót coca tưới đều khắp mình cua, đậy nắp và hấp khoảng chừng từ 20 – 30 phút.
Bước 4: Cua chín, lấy dùng kèm muối ớt xanh hoặc muối tiêu chanh.
Cua hoàng đế nướng phô mai
Nguyên liệu
- 1 con cua hoàng đế
- 150g phô mai
- 40g bơ (lạt hoặc mặn đều được)
- 40h bột mì
- 600ml sữa tươi không đường
- 1 củ hành khô
- 1 củ tỏi
- 1 quả chanh
- Gia vị gồm: muối, dầu ăn, dầu mè, đường, tiêu, mì chính, hạt nêm,…
Sơ chế
- Hành, tỏi khô bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ.
- Cua hoàng đế làm sạch phần vỏ và để ráo nước. Tiếp đến gỡ riêng từng bộ phận của cua, cua to nên chặt khúc vừa ăn, đập dập vỏ và ướp cua cùng với các gia vị như: muối, dầu mè, đường, tiêu, hạt nêm trong khoảng 30 phút cho ngấm đều gia vị.
- Chanh vắt lấy nước cốt và lọc bỏ hạt.
- Phô mai bào sợi nhỏ sau đó trộn chung với nước cốt chanh
Cách chế biến
Bước 1: Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi dầu sôi cho cua hoàng đế vào rán vàng. Sau đó vớt cua ra cho ráo dầu.
Bước 2: Cho bơ vào nồi đun nhỏ lửa cho bơ tan chảy. Tiếp đến cho bột mì vào khuấy đều tay trong khoảng 2 phút và tắt bếp.
Bước 3: Đổ từ từ sữa tươi vào hỗn hợp trên và khuấy đều tay cho đến khi tạo thành một hỗn hợp mịn.
Bước 4: Đặt hỗn hợp trên lên bếp, đun nhỏ lửa cho đến khi sôi lăn tăn thì nêm nếm các gia vị cho vừa ăn.
Bước 5: Cho phô mai vào hỗn hợp trên, khuấy đều tay đến khi phô mai tan chảy hoàn toàn thì tắt bếp.
Bước 6: Xếp cua hoàng đế ra đĩa, rưới đều sốt phô mai vừa làm xong lên trên và thưởng thức.
Lợi ích không ngờ từ thịt cua biển
Các món ăn từ cua chứa các chất béo thiết yếu, nhiều dinh dưỡng và khoáng chất. Đặc biệt, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên nên ăn thịt cua 2-3 lần một tuần vì nó có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như:
Giảm cân
Thịt cua biển có hàm lượng calo khá thấp vì chỉ chứa khoảng 1,5 g chất béo, phần còn lại là protein. Bởi vậy, cua là sự lựa chọn tuyệt vời cho những người thừa cân, béo phì hoặc là món ăn cho những ai muốn giữ vóc dáng.
Cải thiện thị lực
Các món chế biến từ cua rất dồi dào vitamin A vừa giúp cải thiện thị lực vừa ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, bệnh đục thủy tinh thể ở mắt.
Bảo vệ tim
Thịt cua chứa nhiều axit béo omega 3, selen và đồng giúp giảm cholesterol xấu cho cơ thể (cholesterol xấu là nguyên nhân làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ).
Ngăn ngừa ung thư
Cua có nhiều khoáng selen giúp ngăn chặn những tác nhân gây ung thư như: cadmium, arsenic, bạc, thủy ngân,… Một nghiên cứu cho thấy các thực phẩm chứa nhiều axit béo omega 3 như thịt cua có tác dụng ngăn ung thư tuyến tiền liệt lan đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Những thực phẩm không nên kết hợp với cua biển
Mặc dù là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng song khi chế biến, bạn cũng nên lưu ý thịt cua sẽ kỵ với một số thực phẩm sau:
- Khoai lang – Khoai tây: khi tách riêng, cua, khoai lang và khoai tây đều là những thực phẩm rất tốt cho cơ thể vì chúng chứa nhiều dưỡng chất. Song, nếu kết hợp chung với nhau lại phản tác dụng gây ra bệnh sỏi thận.
- Các loại quả giàu Vitamin C: các loại quả giàu Vitamin C như cam, lê, kiwi, hồng,… đều chứa lượng lớn Axit tannic. Khi ăn chung với cua, những loại thực phẩm này sẽ kết tủa, gây ảnh hưởng rất xấu đến hệ tiêu hóa, kinh khủng hơn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
- Nước đá và thức ăn lạnh: Ctheo Đông y, cua có tính hàn, vị mặn, khi ăn chung với đồ lạnh càng làm tăng tính hàn. Bên cạnh đó, ăn cua uống nước đá các đồ uống lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ trong dạ dày, dễ gây ra tiêu chảy.
- Cần tây: Cua cũng không nên kết hợp với cần tây vì chúng sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu protein của cơ thể, không tốt cho quá trình trao đổi chất.
- Cá chạch: Cua đại kỵ với cá chạch, nếu ăn chung sẽ gây trúng độc rất nghiêm trọng.
- Mật ong: Mật ong cũng không được sử dụng chung với cua vì nó sẽ gây ra tiêu chảy và dẫn đến ngộ độc.
Cách chọn cua tươi ngon
Tùy theo sở thích và món ăn cần chế biến mà chúng ta sẽ có những bí kíp khác nhau để chọn được cua ngon, nhiều thịt hoặc nhiều gạch. Dưới đây là một số mẹo chọn cua tươi ngon cho bạn tham khảo:
Nếu muốn chọn cua nhiều thịt thì hãy chọn cua đực, ngược lại muốn chọn cua nhiều gạch thì chọn mua cua cái. Để phân biệt cua đực và cua cái, bạn chỉ cần để ý vào vỏ yếm của cua: nếu cua đực thì có vỏ yếm nhỏ hơn của cua cái.
Đặc biệt, bạn nên tự chọn những con cua mà mình muốn ăn thay vì để người bán chọn. Bên cạnh đó, muốn ăn cua ngon thì không nên mua vào những ngày giữa tháng âm lịch vì thông thường đó là thời điểm cua nhịn ăn để lột xác nên sẽ rất ít thịt.
Với cua cái, bạn không nên mua những con đang trong thời kỳ sinh sản vì khi nấu chúng sẽ tanh. Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn mua cua quá non vì cua non rất dễ bị hôi.
Để chọn được cua tươi ngon, cần chú ý các đặc điểm sau:
- Cua biển còn tươi sống sẽ có vỏ màu xám đục, chân và càng cựa quậy linh hoạt. Đặc biệt, bạn nên chọn những con cua có vỏ màu xám đục, phần yếm rắn chắc và dính chặt vào thân. Nếu muốn cua thịt, hãy chọn những con cua có lớp da lụa màu hồng đỏ hoặc hồng sẫm, thẳng bóng.
- Không nên chọn những con cua có que càng và mai hơi ngả sang màu xanh, yếm mềm vì đây là những con cua ít thịt, bị xốp, không ngon.
Sơ chế cua biển đúng cách
Bước 1: Giữ nguyên dây buộc và tiến hành làm chết cua bằng cách chọc tiết trước. Sau đó lật cua lên, lật yếm dưới bụng cua và dùng dao hoặc đũa nhọn đâm thẳng vào hõm dưới bụng cua cho đến khi chân và càng cua duỗi thẳng không cựa quậy là cua đã chết.
Bước 2: Tháo dây buộc cua và làm sạch vỏ ngoài cua kỹ hơn. Khi làm sạch, bạn nên sử dụng một chiếc bàn chải và chà rửa dưới vòi nước đang chảy. Chú ý không bỏ sót những vị trí có nhiều rong rêu bám như: 2 bên hông, 2 càng, chân,…
Bước 3: Tách lấy phần yếm, lông nằm bên trong yếm và phổi cua đem bỏ trước vì đây là những phần không ăn được. Nếu làm món cua hấp thì tách mai ra trước khi làm. Còn nếu luộc hoặc nướng thì để nguyên con.
Trên đây là các công thức để chế biến một số món ngon từ cua vô cùng đơn giản mà lại vô cùng hấp dẫn. Bạn còn chần chờ gì mà không bổ sung những món ngon từ cua này vào thực đơn và trổ tài chiêu đãi cả nhà? Chúc bạn thực hiện thành công.